30/12/2019
Năm nay chương trình có sự tham gia của khoảng 25 trường đại học, cao đẳng trực tiếp tư vấn nên học sinh có mặt sớm hơn. Nhiều phụ huynh, thầy cô giáo cũng đến sớm để tranh thủ nghe tư vấn tại gian tư vấn riêng của các trường.
Không nên học "tủ"
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Trần Văn Thức - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa - bày tỏ sự ghi nhận đặc biệt về chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp "một chương trình phi lợi nhuận, xuất phát từ trách nhiệm xã hội và tấm lòng của những người làm báo Tuổi Trẻ đối với thế hệ trẻ".
"Thi THPT quốc gia năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2018, trong đó nền tảng kiến thức THPT vững chắc (chủ yếu lớp 12) cùng với sự lựa chọn ngành - chọn trường phù hợp với đam mê, năng lực và tham khảo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội là 3 yếu tố cơ bản giúp các bạn học sinh thành công" - ông Thức nhắn nhủ học sinh.
"Đây là câu hỏi khó. Nhưng cũng không phải khó" - PGS. TS Mai Văn Trinh đáp lời.
Muốn làm giáo viên nhưng sợ thất nghiệp, làm sao?
Nhiều thí sinh quan tâm đặc biệt đến các trường công an, quân đội, trong đó có khá nhiều thí sinh nữ. Dù chỉ tiêu nữ rất hạn chế, số ngành có tuyển thí sinh nữ cũng không nhiều trong các trường này, nhưng nhiều thí sinh nữ vẫn bày tỏ quyết tâm được theo học.
Riêng với nhóm ngành sư phạm, câu hỏi lớn nhất của thí sinh là cơ hội việc làm sau khi ra trường.
"Em thích học sư phạm nhưng chưa thực sự tự tin để lựa chọn. Học ngành sư phạm có sợ thất nghiệp không vì em nghe nói cả nước đang thừa mấy chục nghìn giáo viên?"- Một học sinh nêu thắc mắc.
PGS Hoàng Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho biết đây cũng là câu hỏi nhiều bạn trẻ đặt ra. Nếu chưa tự tin thì "khó bước chân vào", nhưng đã có đam mê thực sự thì "hoàn toàn có thể tự tin mạnh dạn chọn học sư phạm tại một trường em yêu thích".
"Vừa qua, có thông tin tỉnh A, tỉnh B cắt chỉ tiêu, giảm hợp đồng với giáo viên có thể khiến các bạn lăn tăn. Nhưng sa thải thì vẫn sa thải, mà tuyển mới vẫn cứ tuyển mới. Người không đáp ứng yêu cầu về năng lực với công việc phải nghỉ, nhưng người có năng lực, đáp ứng yêu cầu mới vẫn cần phải bổ sung.
Vấn đề là có đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới về kỹ năng, kiến thức, thái độ, sự tận tâm, trách nhiệm với công việc hay không. Hãy tự tin và sống với đam mê của chúng ta. Chỉ sợ chúng ta không yêu nghề, chứ không sợ nghề phụ chúng ta" - ông Tuấn nhấn mạnh.
"Em thi khối A chỉ có khả năng đạt 19 điểm, em nên chọn ngành học nào thì hợp lý?" - một học sinh nữ rụt rè trao đổi. PGS-TS Nguyễn Tiến Thảo trấn an: nếu em nghĩ mình chỉ đạt 19 điểm thì thực tế em có thể đạt ngưỡng điểm 18-22 điểm nếu em có kế hoạch ôn tập tốt dựa trên đề thi tham khảo đã được Bộ GD-ĐT công bố. Và với ngưỡng điểm này, thí sinh có rất nhiều lựa chọn khi muốn học khối ngành kỹ thuật công nghệ.
TS Nguyễn Khắc Khiêm - Phó hiệu trưởng trường ĐH Hàng hải Việt Nam tư vấn: ngoài căn cứ vào khả năng đạt được bao nhiêu điểm, các bạn trẻ cần cân nhắc cả điều kiện của gia đình tương ứng với ngành học, trường học, đặc thù của ngành học và ngành nghề trong tương lai. Khi tìm hiểu kỹ về các ngành, có thể các bạn học sinh sẽ nuôi dưỡng đam mê và đó là một yếu tố rất quan trọng để thành công.
"Em là nữ sinh nhưng rất thích máy móc, liệu có thể học ngành nào?". PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết số nữ sinh chọn các ngành kỹ thuật công nghệ của trường hiện nhiều hơn trước. Điều này cho thấy nữ hoàn toàn có thể chọn một nghề "liên quan đến máy móc".
Theo ngành mình không có năng khiếu được không?
Một số học sinh bày tỏ sự ngưỡng mộ những tên tuổi như GS Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách và hỏi: "Em muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật tim mạch, em phải học chuyên ngành gì?".
TS Lê Đình Tùng cho biết trước đây bác sĩ phẫu thuật tim mạch được nhiều người xem như ngành "quý tộc" vì rất cần bác sĩ giỏi. Nhưng thực chất, đã muốn trở thành bác sĩ thì dù là chuyên ngành gì cũng cần phải giỏi nghề, và có nhiều phẩm chất khác.
"Nói một cách ngắn gọn, bác sĩ giỏi phải có cái đầu, bàn tay, sự quyết đoán. Nhưng trước nhất là cần một sự quyết tâm vì để trở thành bác sĩ giỏi phải qua con đường học tập rất dài và vất vả" - TS Lê Đình Tùng cho biết, và thêm rằng Trường ĐH Y Hà Nội nhiều năm nay mở phân hiệu tại Thanh Hóa, đây là một thuận lợi cho học sinh Thanh Hóa muốn theo nghề của…các thần tượng của mình.
"Em muốn học ngành ngôn ngữ Anh, nhưng lại không có năng khiếu về ngoại ngữ, liệu em có nên đeo đuổi niềm yêu thích của mình hay bằng lòng với lựa chọn khác ít thách thức hơn?".
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, khích lệ thí sinh: "Học ngoại ngữ rất cần sự chăm chỉ, như mưa lâu thấm dần. Học tiếng Anh không nhất thiết cần năng khiếu, mà quan trọng là cần sự kiên trì, bền bỉ. Có đam mê, có nỗ lực theo đuổi đam mê và không ngừng học hỏi, các em có thể sẽ nói tiếng Anh giỏi như người Anh".
Nán lại cuối cùng ở khu tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kinh tế, một nữ sinh băn khoăn em thích học luật nhưng gia đình muốn em học kinh tế. PGS-TS Bùi Đức Triệu - Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân "gỡ rối" bằng cách chia sẻ suy nghĩ "càng làm kinh tế thì càng cần hiểu luật" để không làm sai, để tận dụng các cơ hội được phép mang lại hiệu quả kinh tế cao...